Phổ điểm môn Ngoại ngữ thấp cho thấy đề thi chưa được chuẩn bị kỹ


Phổ điểm môn Ngoại ngữ thấp cho thấy đề thi chưa được chuẩn bị kỹ

‘Đề thi lý tưởng sẽ cho ra phổ điểm có hình quả chuông, đều hai bên với điểm trung bình, điểm trung vị, điểm có tần suất cao nhất trùng nhau và dao động 7-8 điểm’, anh Phạm Hiệp (nghiên cứu sinh Đại học Văn hoá Trung Hoa, Đài Loan) nhận xét.

Với việc công bố phổ điểm các môn thi tại kỳ thi “2 trong 1”, về cơ bản nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với thi THPT và tuyển sinh đại học năm nay đã hoàn thành.

Điểm đáng ghi nhận đầu tiên của quy định tuyển sinh năm nay là việc Bộ Giáo dục công bố phổ điểm các môn. Về nguyên tắc, bất cứ kỳ thi nào diễn ra sẽ luôn có phổ điểm kèm theo. Công bố phổ điểm không chỉ giúp thí sinh có thêm thông tin trong việc lựa chọn trường phù hợp để đăng ký mà còn là cơ sở dữ liệu cho các nhà nghiên cứu phân tích và đưa ra các khuyến nghị chính sách sau này. Nhưng trong suốt bao nhiêu năm tổ chức thi 3 chung trước kia, Bộ chưa một lần thông báo công khai rộng rãi điều này. Việc mãi cho đến năm nay phổ điểm mới được công bố chính thức là quá muộn, nhưng dẫu vậy muộn còn hơn không.

Một điểm “cộng” khác là theo quy định, năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao nhiều quyền tự chủ tuyển sinh hơn cho các trường. Cụ thể, các trường đã được chủ động hơn trong việc lựa chọn hình thức, nội dung thi tuyển phù hợp với chiến lược, mục tiêu đào tạo của mình. Trong bối cảnh giáo dục đại học đại chúng, khi tổng số chương trình đào tạo trên cả nước đã lên tới con số hàng trăm, có mục tiêu chuẩn bị nhân lực cho hàng nghìn ngành, nghề khác nhau, rõ ràng việc chỉ tổ chức thi tuyển đầu vào một cách cứng nhắc thông qua các khối A, B, C… đã lỗi thời. Đưa ra tiêu chí, cách thức lựa chọn sinh viên đầu vào thế nào, tốt nhất là nên để các trường (thậm chí là các khoa trong trường tự quyết), Bộ Giáo dục không thể và không nên làm thay.

Tuy vậy, nếu nhìn kỹ hơn vào 2 điểm “được” kể trên lại lộ ra 2 điểm “chưa được” của kỳ thi tuyển sinh năm nay:

Thứ nhất là về phổ điểm. Với dự định ban đầu, mỗi đề thi có 60% câu hỏi cơ bản (phục phụ cho mục tiêu tốt nghiệp THPT) và 40% câu hỏi phân hoá (phục vụ cho mục tiêu tuyển sinh đại học), về nguyên tắc một học sinh trung bình khi làm bài thi này sẽ được 5-6 điểm cho phần cơ bản và khoảng 2 điểm phần phân hóa. Như vậy, một đề thi lý tưởng sẽ cho ra phổ điểm có hình “quả chuông” đều hai bên với điểm trung bình (mean), điểm trung vị (median), điểm có tần suất cao nhất (mode) trùng nhau và dao động 7-8 điểm.

Đối chiếu với phổ điểm mới nhất vừa được Bộ công bố (tạm gạt vấn đề phổ điểm “giật cục” – tần suất các điểm có số lẻ đến 0 hoặc 0,5 cao hơn 0,25 hoặc 0,75), có thể thấy môn Hoá có phổ điểm cho kết quả bám sát với mục tiêu ban đầu nhất. Phổ điểm môn này hình quả chuông, điểm mean – median – mode trùng nhau tại 6,5 điểm. Các môn Ngữ văn, Vật lý, Địa lý có phổ điểm đạt yêu cầu (phổ điểm hình quả chuông, điểm mean – median – mode trùng nhau tại khoảng 5-6 điểm). Các môn Sinh học và Lịch sử có phổ điểm chấp nhận được (phổ điểm hình quả chuông, điểm mean – median – mode trùng nhau tại khoảng 4-5 điểm).

Trong khi đó phổ điểm môn Ngoại ngữ và Toán lại có nhiều vấn đề. Môn tiếng Anh có phổ điểm hình quả chuông bị lệch trái với mode tại 2,5 điểm. Môn Toán, tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Nhật có phổ điểm hình yên ngựa (nằm ngang) và thậm chí có nhiều điểm bất thường. Ví dụ môn Toán, tần suất thí sinh đạt 9 điểm còn cao hơn thí sinh đạt 8,5 điểm (thông thường điểm càng cao sẽ càng có tần suất xuất hiện ít).

Như vậy, về một mức độ nào đó, có thể nói việc ra đề năm nay đã không được chuẩn bị thật kỹ, nhất là các môn Ngoại ngữ, Toán. Điều này sẽ chắc chắn gây khó khăn cho các trường trong việc lựa chọn ứng viên phù hợp.

Phổ điểm môn Ngoại ngữ bị lệch sang trái, phần nào cho thấy sự thiếu chuẩn bị kỹ trong khâu ra đề thi.

Thứ hai, về vấn đề tự chủ tuyển sinh, mặc dù với quy định năm nay, các trường đã có thể được chủ động lựa chọn nội dung, cách tuyển sinh nhưng cuối cùng chỉ có 2 trường là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học FPT chọn phương án tổ chức một kỳ thi riêng bên cạnh kỳ thi của Bộ. Tỷ lệ chưa đến 1% (2 trường trong tổng số hơn 200 trường) trên cả nước tổ chức thêm kỳ thi riêng là quá ít.

Tỷ lệ này một mặt phản ánh sự thụ động của các trường, mặt khác cũng có thể lý giải là bởi Bộ Giáo dục vẫn giữ quyền phê duyệt phương án khiến cho nhiều trường e ngại. Ví dụ, một số trường có yêu cầu đầu vào cao như Đại học Bách khoa Hà Nội hay Đại học Xây dựng Hà Nội, vốn có khá nhiều kinh nghiệm tổ chức thi riêng (cho các chương trình kỹ sư tài năng, chất lượng cao) cuối cùng, rất tiếc vẫn sử dụng kỳ thi chung của Bộ. Có lẽ từ năm tới, Bộ Giáo dục nên bỏ quyền phê duyệt và để các trường hoàn toàn tự quyết và tự chịu trách nhiệm về phương án tuyển sinh của mình.

Nói gì thì nói, kỳ thi “2 trong 1” năm nay là một thành công lớn và tinh thần đổi mới của nó cần tiếp tục được phát huy trong các năm tiếp theo; không chỉ ở hoạt động tuyển sinh mà còn ở nhiều hoạt động khác của giáo dục đại học.

Phạm Hiệp Nghiên cứu sinh, Đại học Văn hoá Trung Hoa, Đài Loan